Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, trong tháng 7/2023, nhờ giá sản phẩm đầu ra (lợn hơi, gà hơi xuất chuồng) đã ở mức giúp người chăn nuôi có lãi, nên chăn nuôi lợn và gia cầm đang hồi phục nhanh.
Người chăn nuôi chủ động được nguồn giống và giá thịt lợn hơi tăng trong những tháng gần đây sẽ tạo điều kiện cho chăn nuôi lợn phát triển tốt trong nửa cuối năm. Tuy vậy, người chăn nuôi vẫn cần theo dõi sát tình hình thị trường, các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin kịp thời, quản lý tốt tình hình chăn nuôi tại địa phương.
Đối với ngành lúa gạo, sau thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa gạo, hầu hết các quốc gia khác đều “đổ dồn” sang Việt Nam, Thái Lan để tìm kiếm phương án thay thế, trong bối cảnh thời tiết biến động xấu, hiện tượng El Nino đã tác động lớn đến sản lượng lúa gạo của nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện, các thị trường Trung Quốc, Philipines, Indonesia tranh mua gạo Việt Nam.
"Sau khi Chính phủ Ấn Độ ra lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng không thuộc dòng basmati (một loại gạo phổ biến tại Nam Á), giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam vào cuối tháng 7/2023 đã tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái lên 558 USD/tấn".
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, nửa đầu năm 2023 xuất khẩu gạo đạt hơn 4,2 triệu tấn, trị giá 2,26 tỷ USD, tăng trên 21% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái; giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả này, ngành hàng lúa gạo đang kỳ vọng xuất khẩu cả năm sẽ đạt hơn 8 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với năm 2022.
Thời cơ tăng tốc xuất khẩu gạo đang rất thuận lợi, nhưng cũng đặt ra thách thức về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Bởi vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo các giải pháp thúc đẩy trồng lúa, để tăng sản lượng gạo phục vụ xuất khẩu, đồng thời đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Về tình hình gieo cấy, tính đến đến ngày 15/7, cả nước đạt 1.194,4 nghìn ha lúa mùa, bằng 105,8% cùng kỳ năm trước, Trong đó: Các địa phương phía Bắc gieo cấy 836,1 nghìn ha, bằng 108%; các địa phương phía Nam gieo cấy 358,3 nghìn ha, bằng 101%.
Đến trung tuần tháng Bảy, cả nước gieo cấy được 1.905,3 nghìn ha lúa hè thu, bằng 99,9% cùng kỳ năm trước. Trong đó, các địa phương phía Bắc đạt 172,9 nghìn ha, bằng 98,7%; các địa phương phía Nam đạt 1.732,4 nghìn ha, tương đương cùng kỳ năm trước, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.473,2 nghìn ha, bằng 100,5%.
Đến nay, phần lớn các trà lúa hè thu đang ở giai đoạn làm đòng đến chín, các trà lúa sớm đã cho thu hoạch với diện tích đạt 484,9 nghìn ha, bằng 109,5% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 472,1 nghìn ha, bằng 110%.
Tính đến ngày 15/7/2023, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được 263,4 nghìn ha lúa thu đông, bằng 94,3% cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có diện tích lúa thu đông giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước là: Cần Thơ giảm 3,3 nghìn ha; Hậu Giang giảm 1,6 nghìn ha; Bạc Liêu giảm 0,9 nghìn ha.
Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, sản xuất lúa vụ thu đông thường phải đối mặt với bất lợi do sâu bệnh và mưa lũ. Do vậy, bà con nông dân cần thực hiện tốt theo các khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, xuống giống tập trung đồng loạt trên từng cánh đồng, né rầy, tránh lũ, cũng như đảm bảo thời gian giãn vụ hợp lý.
Thông tin về sản xuất ngành thủy sản, Tổng cục Thống kê cho biết sản lượng thủy sản tháng 7/2023 ước đạt 823,1 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước đạt 474,7 nghìn tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá đạt 298,2 nghìn tấn, tăng 3,1%; tôm ước đạt 123,4 nghìn tấn, tăng 3,9%.
Sản lượng cá tra tháng 7/2023 ước đạt 133 nghìn tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thu hoạch cá tra trong tháng tăng so với cùng kỳ năm trước do người nuôi đã tăng cường liên kết, hợp tác và ứng dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất nhằm giảm chi phí giá thành, giảm tỷ lệ hao hụt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu nên giá cá tra nguyên liệu trong tháng giảm so với tháng trước.
Sản lượng tôm trong tháng 7/2023 tăng so với cùng kỳ năm trước do diện tích thu hoạch tôm tăng, giá thu mua tôm tại các nhà máy lớn có xu hướng tăng, xuất khẩu tôm tại một số thị trường chủ yếu tăng trưởng ổn định, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Sản lượng tôm thẻ chân trắng ước đạt 89,4 nghìn tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú ước đạt 28,4 nghìn tấn, tăng 1,5%.
"Tính chung 7 tháng của năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt 5.093,6 nghìn tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 3.669,6 nghìn tấn, tăng 1,7%; tôm đạt 673 nghìn tấn, tăng 3,5%; thủy sản khác đạt 751 nghìn tấn, tăng 1,3%".
Theo Tổng cục Thống kê.
Sản lượng thủy sản khai thác trong tháng 7/2023 ước đạt 348,4 nghìn tấn, tăng 1,6%, trong đó.
Về tình hình xuất khẩu thủy sản, trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước giảm 27,4%; xuất khẩu lâm sản cũng giảm 2 8,8%. Tình trạng này đã đẩy các doanh nghiệp chế biến thủy sản và doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn, hàng tồn kho cao khiến phần lớn doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, có những doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động, thậm chí phá sản.
Kéo theo đó, việc giảm thu mua tôm, cá nguyên liệu đã khiến người nuôi tôm, nuôi cá tra thua lỗ. Chính vì vậy, toàn ngành thủy sản và lâm sản đang trông chờ vào những chính sách, giải pháp hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt trong đó là chính sách hỗ trợ tín dụng.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam "Nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản", Ngân hàng Nhà nước ngày 14/7/2023 đã ban hành văn bản 5631/NHNN-TD, hướng dẫn ngân hàng thương mại triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Theo đó, Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản có vốn tín dụng khoảng 15.000 tỷ đồng, thời gian triển khai đến hết ngày 30/6/2024. Lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam, thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn. Đối tượng vay vốn là khách hàng có dự án/phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Các ngân hàng thương mại theo thẩm quyền thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng tham gia chương trình này, phù hợp với quy định pháp luật và quy mô hoạt động của ngân hàng.
Chương trình được thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng và thực hiện cho vay theo cơ chế thương mại thông thường. Đến nay, 12 ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia chương trình, gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín, Ngân hàng TMCP Quân đội, Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Nam Á, Ngân hàng TMCP Phương Đông, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội.
Chu Khôi
Nguồn: https://vneconomy.vn/thoi-co-xuat-khau-gao-dang-thuan-loi-lam-san-thuy-san-duoc-tro-tho.htm
Địa chỉ ĐKKD: 68/35 Trần Nhân Tôn, Phường 2, Quận 10, TP.HCM.
Địa chỉ giao dịch: 26 Huỳnh Lan Khanh, Phường 2, Quận Tân Bình, TP.HCM.
Website: http://www.phadistribution.com - Hotline: 0918439834
Copyright © 2021 CONG NGHE PHA VIET NAM. Web design : NiNa Co., Ltd
Chúng tôi tự hào là người tiên phong trong lĩnh vực rất mới này từ những năm 2015, khởi đầu là nhà phân phối các sản phẩm thương mại phần cứng, cho đến hôm nay, Chúng tôi đã có thể cung cấp giải pháp tổng thể trong tất cả lĩnh vực mà IoT có mặt.
Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn giải pháp cho các nhu cầu của bạn! Chúng tôi hy vọng được hợp tác và chuyển giao các giải pháp phù hợp nhất!
Ban Giám Đốc