Quảng Ninh thí điểm mô hình huyện chuyển đổi số tại Cô Tô

Ngày đăng: 07/04/2021 02:13 PM

    Việc thí điểm mô hình chuyển đổi số cấp huyện tại huyện đảo Cô Tô sẽ được Quảng Ninh đúc kết bài học kinh nghiệm để góp phần hoàn thiện và tăng tính khả thi khi triển khai Đề án chuyển đổi số toàn diện tỉnh.

    Tăng tính khả thi của Đề án chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh

    Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã đưa xây dựng Đề án chuyển đổi số toàn diện tỉnh là 1 trong 15 Chương trình, Đề án trọng tâm của nhiệm kỳ 2020 – 2025.

    Nhiệm vụ xây dựng “Đề án chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” hiện đang được Sở TT&TT tập trung thực hiện. Mục tiêu đặt ra, theo Sở TT&TT Quảng Ninh, là phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi số trong các ngành, địa phương, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số.

    Cùng với đó, tận dụng có hiệu quả cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh tạo nền tảng vững chắc cho Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại.

    Quảng Ninh thí điểm mô hình huyện chuyển đổi số tại Cô Tô
    Một yêu cầu Sở TT&TT Quảng Ninh đặt ra cho việc thí điểm chuyển đổi số Cô Tô là sử dụng nền tảng số sẵn có của các doanh nghiệp để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả (Ảnh minh họa: Báo Quảng Ninh)

    Trong chỉ đạo hồi trung tuần tháng 1/2021 về việc xây dựng Đề án chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo UBND tỉnh này đã đồng ý chủ trương cho phép Sở TT&TT phối hợp với Huyện ủy, UBND huyện Cô Tô và Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) cùng các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thí điểm mô hình “Huyện chuyển đổi số” với huyện đảo Cô Tô, song song trong thời gian xây dựng Đề án để rút kinh nghiệm, làm tăng tính khả thi của Đề án.

    Trong kế hoạch thí điểm mô hình huyện chuyển đổi số Cô Tô mới ban hành, Sở TT&TT tỉnh Quảng Ninh cũng nêu rõ, sẽ thử nghiệm cung cấp các dịch vụ số trong các lĩnh vực ưu tiên, gồm: Du lịch, Y tế, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường và TT&TT.

    Kế hoạch cũng hướng tới mục tiêu các cơ quan, đơn vị và người dân trên địa bàn huyện Cô Tô, doanh nghiệp và các bên liên quan nhận thức được lợi ích thiết thực của việc chuyển đổi số đối với các hoạt động trong đời sống, công việc và hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, thực hiện mục tiêu kép, vừa thúc đẩy chuyển đổi số, vừa phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh.

    Huy động nhiều doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số Cô Tô

    Đặc biệt, tại kế hoạch thí điểm chuyển đổi số huyện Cô Tô, Sở TT&TT Quảng Ninh đã vạch rõ 11 nhiệm vụ sẽ được tập trung triển khai thời gian tới, bao gồm: Xây dựng mô hình chuyển đổi số cấp huyện dựa trên thực tiễn thí điểm tại huyện đảo Cô Tô; Xây dựng và nâng cấp hạ tầng viễn thông theo hướng hiện đại, đưa Internet băng rộng đến từng hộ gia đình, xóa toàn bộ các điểm lõi sóng di động, cải thiện chất lượng mạng 4G; Phổ cập smartphone giá rẻ đến người dân phục vụ cho quá trình chuyển đổi số, giúp người dân được hưởng thụ các tiện ích số thông qua thiết bị thông minh;

    Xây dựng các hệ thống giám sát phục vụ công tác điều hành huyện; Xây dựng mô hình truyền thanh ứng dụng CNTT-TT phù hợp với huyện đảo phục vụ tuyên truyền đến từng thôn, xóm, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của các cấp chính quyền; Xây dựng hệ sinh thái du lịch số; Cung cấp thí điểm dịch vụ y tế số; Cung cấp thí điểm dịch vụ giáo dục số; Triển khai số hóa cơ sở dữ liệu đất đai tại Cô Tô để nâng cao công tác quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai; Thúc đẩy thương mại điện tử; Đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện.

    Với mỗi nhiệm vụ nêu trên, Sở TT&TT Quảng Ninh đều nêu rõ các đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp và thời gian thực hiện. Đơn cử như, các nhiệm vụ xây dựng, nâng cấp hạ tầng viễn thông và phổ cập smartphone giá rẻ đến người dân sẽ do Viettel Quảng Ninh chủ trì, các đơn vị phối hợp là Sở TT&TT và UBND huyện Cô Tô, với thời gian thực hiện từ tháng 4/2021 đến 6/2021.

    Nhiệm vụ đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện Cô Tô được Sở TT&TT Quảng Ninh chủ trì thực hiện ngay trong 2 tháng 4 - 5/2021.

    Đáng chú ý, việc triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số huyện Cô Tô có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp công nghệ. Cụ thể, ngoài Viettel Quảng Ninh, còn có Công ty cổ phần Lina Network, Công ty TNHH Thịnh Hưng, Công ty TNHH Điện tử Hanet.

    Dự kiến hết tháng 6/2021, kết quả thí điểm trong giai đoạn 1 sẽ được công bố. Vào cuối tháng 12/2021, công bố kết quả 1 năm thực hiện mô hình, có báo cáo đánh giá việc thí điểm mô hình chuyển đổi số cấp huyện để làm cơ sở đúc rút kinh nghiệm thực tiễn cho Đề án chuyển đổi số toàn diện tỉnh.

    Sở TT&TT Quảng Ninh cũng cho biết, trong thời gian thí điểm, các doanh nghiệp sẽ hỗ trợ triển khai miễn phí tại huyện Cô Tô. Sau khi kết thúc thí điểm, trên cơ sở kết quả và hiệu quả triển khai thực tế, các doanh nghiệp tham gia chủ động đề xuất các phương án triển khai tiếp theo, báo cáo Sở TT&TT tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

    Vân Anh 

    Nguồn: https://ictnews.vietnamnet.vn/cuoc-song-so/quang-ninh-thi-diem-mo-hinh-huyen-chuyen-doi-so-tai-co-to-281122.html 

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline