Phát triển nông nghiệp thuận thiên

Ngày đăng: 23/03/2024 08:51 AM

    Nông nghiệp thuận thiên là nền nông nghiệp có sự thích nghi, hài hòa giữa con người với tự nhiên một cách có kiểm soát nhằm đem lại lợi ích cho người dân và bảo vệ môi trường

    Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) ngày 21-3 đã phối hợp với Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị Quốc gia huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên tại ĐBSCL.

    Vùng đất "chín rồng" gặp khó

    ĐBSCL có vai trò cực kỳ quan trọng trong sản xuất và an ninh lương thực quốc gia; được xem là "vựa lúa", "vựa trái cây" và "vựa tôm cá" của cả nước. Tuy nhiên, vùng đất "chín rồng" đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: phát triển không bền vững, tác động từ thủy điện đầu nguồn sông Mê Kông và biến đổi khí hậu...

    Cụ thể, việc sản xuất 3 vụ lúa/năm đã phá vỡ chế độ ngập lũ tự nhiên, ngăn cản bồi lắng phù sa và trao đổi nước ở ĐBSCL. Việc sử dụng quá nhiều phân bón, thuốc trừ sâu và các hóa chất độc hại trong quá trình canh tác cũng khiến một số loài và sinh vật bản địa dần biến mất.

    Bên cạnh đó, hiện tượng thời tiết cực đoan đã làm thay đổi lượng mưa, dẫn đến gia tăng mức độ hạn hán và xâm nhập mặn. Các đập ở Lào, Trung Quốc và các nhánh sông của Campuchia làm gián đoạn nghiêm trọng nguồn cung cấp nước và trầm tích cho ĐBSCL. Một số chuyên gia đánh giá lượng trầm tích về khu vực ĐBSCL hiện chỉ bằng 40% so với trước khi xây dựng các đập, dự kiến giảm mạnh đến 97% vào năm 2040.

    Các nhà khoa học cảnh báo nếu tiếp tục phát triển không bền vững, có thể 90% diện tích vùng trọng điểm kinh tế nông nghiệp của Việt Nam này sẽ bị nhấn chìm, kèm theo đó là các tác động to lớn ở cấp độ quốc gia cũng như toàn cầu. Vùng ĐBSCL có thể nằm dưới mực nước biển vào cuối thế kỷ này nếu không có hành động quyết liệt trên toàn lưu vực sông.

    Lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau nêu rõ 2 vấn đề lớn cần đặc biệt chú ý khi phát triển thuận thiên tại ĐBSCL trong thời gian tới. Đó là tình trạng vùng ĐBSCL phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước ngọt của hệ thống sông Mê Kông và biến đổi khí hậu đã làm gia tăng sự ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

    Phát triển nông nghiệp thuận thiên- Ảnh 1.

    Mô hình nuôi tôm xen canh dưới tán rừng được xem là sản xuất thuận thiên

    Hài hòa giữa con người với tự nhiên

    Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, tại ĐBSCL đã có nhiều mô hình sản xuất được điều chỉnh nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, áp dụng công nghệ để không tổn hại đến môi trường.

    Chẳng hạn, mô hình nuôi tôm xen canh dưới tán rừng được xem là sản xuất thuận thiên bởi vừa giúp cải thiện sinh kế vừa góp phần phục hồi hệ sinh thái. Mô hình tôm - lúa là giải pháp thích ứng với tình trạng xâm nhập mặn nhờ linh hoạt trồng lúa vào mùa mưa và nuôi tôm vào thời điểm hạn, mặn gay gắt.

    Lãnh đạo các địa phương đề xuất trung ương sớm triển khai Đề án "Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái ĐBSCL" và Đề án "Phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030". Các địa phương cũng mong muốn ngành chức năng ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng chuyển đổi sinh kế, ứng phó với biến đổi khí hậu; ban hành cơ chế tài chính và chính sách đặc thù, ưu đãi cho phát triển vùng ĐBSCL.

    Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, lưu ý nông nghiệp thuận thiên "không phải là không làm gì cả" mà là quá trình thích nghi, hài hòa giữa con người với tự nhiên một cách có kiểm soát, thuận theo các quy luật của tự nhiên để đem lại lợi ích cho người dân nhưng vẫn có thể bảo vệ môi trường và hệ sinh thái. "Các nhà sản xuất nông nghiệp cần sẵn sàng chuyển đổi sang phương thức sản xuất thuận thiên để tái tạo, phục hồi thiên nhiên, nâng cao hệ thống lương thực hiệu quả và bền vững" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

    Bộ trưởng Bộ NN-PTNT kêu gọi các đối tác quốc tế hỗ trợ Việt Nam những công cụ đánh giá chuyển đổi nông nghiệp thuận thiên; phối hợp với Chính phủ rà soát các hạng mục ưu tiên đầu tư; hỗ trợ nguồn lực triển khai "Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030"... 

    Hàng trăm ngàn tỉ đồng đầu tư vào ĐBSCL

    Báo cáo tại hội nghị cho thấy ngân sách nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài đã hỗ trợ 266.000 tỉ đồng cho khu vực ĐBSCL trong giai đoạn 2021-2025.

    Riêng năm 2023, tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp ĐBSCL đạt khoảng 100.000 tỉ đồng. Chính phủ đã bố trí hơn 10.000 tỉ đồng để xử lý 120 km bờ sông, bờ biển sạt lở và cải tạo hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất.

    VÂN DU

    Nguồn: https://nld.com.vn/phat-trien-nong-nghiep-thuan-thien-196240321215035486.htm 

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline