Chuyên gia hiến kế giúp chuỗi thủy sản ĐBSCL phát triển bền vững

Ngày đăng: 20/12/2022 01:40 PM

    ĐỒNG THÁP - Ứng dụng "kinh tế xanh", bảo tồn rừng biển, số hóa vận hành chuỗi thủy sản... là những giải pháp doanh nghiệp kiến nghị chuyển đổi hoạt động, giảm tác động môi trường.

    Sáng 20/12, trong khuôn khổ diễn đàn Mekong Startup 2022, phiên thảo luận trước thềm với chủ đề "Chuyển đổi chuỗi thủy sản ĐBSCL hướng tới hiện đại, bền vững, phát thải thấp" đã diễn ra tại Nhà văn hóa Lao động Đồng Tháp. Chương trình có sự góp mặt của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử; cùng một số lãnh đạo, đại diện doanh nghiệp trong ngành nuôi trồng thủy sản tại khu vực miền Tây.

    Phát biểu khai mạc, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết những năm gần đây thủy sản là một trong những nông sản được ưu tiên hàng đầu tại khu vực ĐBSCL. Năm 2022 với nhiều sáng kiến mới đã góp phần đưa sản lượng 11 tháng đầu năm của khu vực đạt 70% cả nước. Song đi kèm những lợi thế sẵn có và sự đổi mới sáng tạo là những thách thức cần phải đối mặt.

    Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân phát biểu khai mạc phiên tham luận trước thềm. Ảnh: Vinh Đoàn

    Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân phát biểu khai mạc phiên tham luận trước thềm. Ảnh: Vinh Đoàn

    Ông Luân chỉ ra rằng trong năm qua, ô nhiễm môi trường, nội tại ngành thủy sản và các hoạt động kinh tế khác đã ảnh hưởng ít nhiều đến hiệu quả ngành thủy sản tại ĐBSCL. Ngoài ra, hạ tầng cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng nuôi trồng và môi trường.

    Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, để tận dụng triệt để các lợi thế sẵn có, đưa ngành thủy sản khu vực tăng trưởng, song song với bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững, giảm phát thải, ngoài những chính sách hỗ trợ từ chính phủ cũng cần sự chung tay góp sức của thế hệ trẻ với những sáng kiến đổi mới. Tuy nhiên, ông Trần Đình Luân cũng lưu ý sáng kiến mới cần hướng tới thực tiễn, phù hợp với trình độ, khả năng tài chính của người dân.

    Phát triển công nghệ gắn với 'kinh tế xanh'

    Trong phiên tham luận đầu tiên, ông Ngô Tiến Chương - chuyên gia kỹ thuật cấp cao của Tổ chức hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) có những phân tích về các thuận lợi - thách thức ngành thủy sản ĐBSCL và cả nước đang đối mặt. Theo ông, "kinh tế xanh" hiện là xu hướng chung toàn cầu và đã được ứng dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới.

    Ông Chương định nghĩa "kinh tế xanh" là nền kinh tế có mức phát thải thấp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo tính công bằng về mặt xã hội. Để ứng dụng hiệu quả mô hình này vào nông nghiệp, cụ thể là thủy sản, vị chuyên gia cho rằng ĐBSCL cần tìm hướng giải quyết cho các thách thức trước mắt.

    Theo ông, một trong những yếu tố lớn ảnh hưởng chất lượng ngành là quản lý phát thải. Sản xuất nông nghiệp đang là ngành gây phát thải lớn khi từ khâu canh tác lúa, lên men dạ cỏ, sử dụng đất nông nghiệp, quản lý chất thải chăn nuôi, đốt phế - phụ phẩm... đều có thể trở thành nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Cơ sở hạ tầng và trình độ lao động chưa được cải thiện cũng là hai yếu tố khác khiến ngành khó theo kịp xu hướng phát triển, không tiếp cận được các công nghệ mới.

    Ông Ngô Tiến Chương - chuyên gia kỹ thuật cấp cao của Tổ chức hợp tác Quốc tế Đức (GIZ). Ảnh: Thanh Tùng

    Ông Ngô Tiến Chương - chuyên gia kỹ thuật cấp cao của Tổ chức hợp tác Quốc tế Đức (GIZ). Ảnh: Thanh Tùng

    Để giải quyết các vấn đề trên, ông Ngô Tiến Chương gợi ý cần tạo cơ chế, chính sách cho kinh tế tư nhân, thu hút nguồn vốn quốc tế tham gia vào thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới. Ông đề nghị khuyến khích phát triển công nghệ gắn với kinh tế xanh để nâng cao hiệu quả tăng trưởng. Việc phát triển kinh tế tuần hoàn còn giúp giảm thiểu các chất gây hiệu ứng nhà kính, giảm phát thải ra môi trường. Đồng thời, ông cũng chỉ ra việc nâng cao nhận thức, năng lực của người dân trong khu vực cũng là nhiệm vụ quan trọng nếu muốn sớm gia tăng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

    Phát triển rong tảo biển bền vững

    Cũng trong khuôn khổ phiên tham luận, ông Huỳnh Quốc Tịnh, đại diện Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên WWF tại Việt Nam, cũng hiến kế cần phát triển rong tảo biển bền vững để giảm phát thải và giữ môi trường nước sạch, tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng ngành thủy sản.

    Vị chuyên gia chỉ ra hệ sinh thái rừng biển, bao gồm rừng ngập mặn, đất ngập mặn, thảm cỏ biển, tảo rong biển... đang ngày càng bị thu hẹp diện tích. Đây là hậu quả của việc đa dạng sinh học, chuyển đổi kinh tế và biến đổi khí hậu. Trong khi hệ sinh thái này lại mang đến nhiều lợi ích cho ngành thủy sản tại khu vực ĐBSCL, như: giúp đa dạng sinh học, khí hậu thông qua quá trình thu hồi, lưu trữ carbon, hạn chế axit hóa đại dương, từ đó bảo vệ bờ biển trước những tác động nhân tạo lẫn thiên nhiên.

    Hiện đại hóa chuỗi thủy sản ĐBSCL theo hướng bền vững, phát thải thấp - 2
     

    Để giải quyết các vấn đề kể trên, ông Huỳnh Quốc Tịnh khuyến nghị áp dụng chiến lược "Rừng biển" 10 năm của WWF toàn cầu và tùy chỉnh để phù hợp với môi trường, hệ sinh thái Việt Nam. Cụ thể, dự án "Cỏ biển" do WWF-Việt Nam lên ý tưởng triển khai bao gồm các bước: khảo sát và lựa chọn địa điểm, loài và kỹ thuật phục hồi phù hợp; thí điểm tái tạo; xây dựng chính sách, quy định quản lý cỏ biển và truyền thông nâng cao nhận thức. Tổ chức kỳ vọng chiến lược này có thể giúp phục hồi diện tích thảm cỏ biển, đóng góp vào nỗ lực bảo vệ hệ sinh thái rừng biển tại Việt Nam.

    Số hóa ngành thủy sản

    Song song với giải quyết các thách thức về môi trường, những sáng kiến công nghệ hiện đại hướng đến số hóa ngành thủy sản song song với bảo vệ môi trường cũng được khuyến khích. Ông Vũ Văn Vân, Giám đốc Công ty Công nghệ Otanics thuộc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú giới thiệu nền tảng quản lý thông minh dành cho ao nuôi tôm Tomota. Công dụng chính của hệ thống bao gồm hỗ trợ giám sát và điều khiển thiết bị; quản lý vật tư - xuất nhập kho điện tử; báo cáo thông minh; dự báo và khuyến nghị dựa trên dữ liệu.

    Ông Vũ Văn Vân, Giám đốc Công ty Công nghệ Otanics thuộc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Ảnh: Vinh Đoàn

    Ông Vũ Văn Vân, Giám đốc Công ty Công nghệ Otanics thuộc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Ảnh: Vinh Đoàn

    Hệ thống IoT Tomota hiện ứng dụng cho gần 3.000 ha nuôi tôm, hỗ trợ theo dõi các chỉ số, thiết bị và hiệu suất hoạt động trong ao nuôi tôm thông qua một ứng dụng điện thoại. Thiết bị có độ bền cao với thiết kế đơn giản, có thể dễ dàng lắp đặt và sử dụng.

    Trong đó, tủ Tomota Alpha hỗ trợ theo dõi thời lượng vận hành, xử lý lỗi kịp thời, bảo trì đúng hạn và tối ưu chi phí cho người sử dụng nhờ tiết kiệm điện năng. Đi kèm tủ Alpha là cân điện tử trên mặt nước - Tomota Feeder với các công dụng: ghi nhận chính xác giúp quản lý hiệu quả, cho ăn đúng chương trình mong muốn, tránh thất thoát, lãng phí và ô nhiễm nước. Ngoài ra, nông dân cũng có thể giám sát chất lượng và tăng trưởng giống thông qua ứng dụng Tomota S3.

    Ông Vũ Văn Vân cho biết các giải pháp công nghệ số hóa này phù hợp với hầu hết hộ nông dân nuôi trồng và kinh doanh tôm giống. Ngoài ra, đơn vị cũng chủ động kết hợp cùng các chương trình, tổ chức, hỗ trợ người dân tiếp cận với công nghệ tương tự như nền tảng Tomota cung cấp, giúp họ nâng cao kiến thức và ứng dụng vào thực tiễn hiệu quả hơn.

    Thy An

    Nguồn: Chuyên gia hiến kế giúp chuỗi thủy sản ĐBSCL phát triển bền vững - VnExpress

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline