Tính đến khả năng giá gạo vượt 1.000 USD/tấn

Ngày đăng: 27/07/2023 09:08 AM

    Ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trả lời Tuổi Trẻ về giá gạo, những tác động đến thị trường gạo cũng như cơ hội xuất khẩu gạo của Việt Nam.


    Chế biến gạo cao cấp xuất khẩu tại một nhà máy ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang - Ảnh: CHÍ QUỐC

    Chế biến gạo cao cấp xuất khẩu tại một nhà máy ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang - Ảnh: CHÍ QUỐC

    Ông Cường nói: Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) ngày 20-7, Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ đã ra thông báo về việc cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo trắng thường (phi Basmati). Ấn Độ là nước chiếm tới gần 40% sản lượng gạo xuất khẩu toàn cầu.

    Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo (trừ gạo Basmati), trong bối cảnh El Nino tác động xấu đến sản xuất lúa, gạo toàn cầu và nhu cầu mua lương thực phục vụ tiêu dùng và tích trữ tăng thì động thái của Ấn Độ chắc chắn sẽ kéo giá gạo tăng cao trong thời gian tới.

    Không lo thiếu gạo trong nước

    Giá tăng từng ngày, miền Tây hồ hởi trồng lúa - Ảnh 7.

    * Trước dự báo giá gạo xuất khẩu có thể tăng cao, theo ông, chúng ta nên tận dụng cơ hội này như thế nào?

    - Đến thời điểm này, sản xuất lúa gạo của Việt Nam khá thuận lợi, các nguồn cung đảm bảo ổn định. Cục Trồng trọt vẫn theo dõi sát tình hình thời tiết, khí hậu và nhu cầu để kịp thời có chỉ đạo, tính toán, điều hành sản xuất lúa gạo gắn với thị trường, tận dụng tốt thời cơ.

    Quan điểm của Cục Trồng trọt là tiếp tục ổn định lượng gạo xuất khẩu trên 6,5 - 6,6 triệu tấn. Với lượng gạo xuất khẩu như vậy sẽ không ảnh hưởng gì tới an ninh lương thực và các nhu cầu tiêu thụ trong nước khác.

    Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo các doanh nghiệp tuân thủ quy định tại nghị định 107/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, đánh giá tình trạng dự trữ hiện có, nguồn cung và nhu cầu thị trường khi thương thảo hợp đồng mới đạt mức giá cao nhất nhằm đảm bảo lợi nhuận cho cả doanh nghiệp cũng như nông dân trồng lúa.

    Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng phải tính đến kịch bản giá gạo tăng lên hơn 1.000 USD/tấn như năm 2008 để có định hướng kinh doanh phù hợp, hiệu quả.

    Đặc biệt, nên cẩn trọng trong việc thương thảo ký kết hợp đồng, không nên ký hợp đồng khi mà trong kho không còn lúa gạo dự trữ.

    * Nhưng khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, Việt Nam có tính tới khả năng cũng phải hạn chế xuất khẩu?

    - Việt Nam có tạm ngừng xuất khẩu gạo hay không phải dựa trên cơ sở đánh giá nhu cầu tiêu dùng nội địa, lượng dự trữ trong dân và doanh nghiệp, nguồn cung lúa gạo của Việt Nam... Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng nhiệm vụ sẽ phối hợp.

    Hiện tại sản xuất lúa gạo vẫn đang diễn ra bình thường, các nhu cầu phục vụ an ninh lương thực và tiêu dùng nội địa khác vẫn đảm bảo. Đến tháng 5 cả nước đã thu hoạch được hơn 17 triệu tấn lúa, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Cả năm nay dự kiến thu hoạch khoảng 43 triệu tấn lúa, vẫn đảm bảo nhu cầu lương thực, chăn nuôi, chế biến, dự trữ và đảm bảo trên 6,5 - 6,6 triệu tấn gạo xuất khẩu.

    Giá gạo trong nước sẽ không tăng?

    * Việt Nam đang nhập khá nhiều gạo từ Ấn Độ về để sản xuất (năm tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 367.000 tấn gạo Ấn Độ). Việc cấm xuất khẩu của Ấn Độ liệu sẽ tác động thế nào tới sản xuất trong nước?

    - Việt Nam nhập khẩu gạo từ Ấn Độ chủ yếu cho mục đích chăn nuôi, chế biến... Tôi cho rằng lệnh cấm xuất khẩu gạo, trong đó có loại gạo Việt Nam nhập từ Ấn Độ, sẽ có những tác động nhất định, mức độ ảnh hưởng thế nào thì cần có đánh giá sâu hơn.

    * Giá xuất khẩu tăng, theo ông, làm sao để không làm ảnh hưởng nhiều tới giá gạo trong nước, ảnh hưởng tới người dân trong bối cảnh lạm phát như hiện nay?

    - Nguồn cung lúa gạo vẫn bình thường, lượng gạo xuất khẩu vẫn trong kế hoạch. Do vậy, sẽ không có hiện tượng giá gạo trong nước tăng cao do khan hiếm nguồn cung. Việc đảm bảo an ninh lương thực và đáp ứng nhu cầu cầu tiêu dùng nội địa là ưu tiên số 1 của Đảng, Chính phủ.

    Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan sẽ có chính sách kịp thời, phù hợp với thông lệ thương mại quốc tế để đảm bảo an ninh lương thực trong nước, đồng thời không mất cơ hội xuất khẩu.

    Doanh nghiệp cần tránh tư tưởng "buôn chuyến"

    * Ông có khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo gì để giữ vững, phát triển được thị trường?

    - Doanh nghiệp phải giữ chữ tín với các đối tác, tuân thủ quy định pháp luật và các thông lệ quốc tế.

    Về lâu dài, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần hợp tác, liên kết với nông dân, hợp tác xã xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, tập trung, để chủ động đầu ra đảm bảo về chất lượng, ổn định về số lượng, giá cả và đảm bảo bền vững, hài hòa quyền lợi giữa doanh nghiệp và nông dân trồng lúa, tránh tư tưởng "buôn chuyến".

    Duy trì mức dự trữ lưu thông theo quy định

    Trước lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam tăng cường đôn đốc các hội viên, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, tổ chức thu mua và tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa, bảo đảm lợi ích cho người trồng lúa; thực hiện nghiêm túc các quy định tại nghị định 107/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo. 

    Thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định, đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá lúa gạo trong nước. Đối với thương nhân, Cục Xuất nhập khẩu cũng đề nghị nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về lượng lúa gạo tồn kho, tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo.

    CHÍ TUỆ

    Nguồn: https://tuoitre.vn/tinh-den-kha-nang-gia-gao-vuot-1-000-usd-tan-20230724101701435.htm 

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline