Rau quả mở cửa loạt thị trường cao cấp, tính thu 6-7 tỷ USD

Ngày đăng: 09/01/2024 10:05 AM

    Sau một năm thắng lớn với kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục 5,7 tỷ USD, rau quả Việt lại mở cửa thêm nhiều thị trường cao cấp ngay trong những ngày đầu năm mới 2024. Thế mạnh này của nước ta đặt mục tiêu xuất khẩu thu về 6-7 tỷ USD trong năm nay.

    Tất bật khai mở thị trường mới

    Mở hàng đầu năm, lô hạt mắc ca hơn 10 tấn đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Hàn Quốc. Đây cũng là lô hàng nông sản xuất khẩu đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk trong năm 2024. Dự kiến, số sản phẩm này sẽ được bày bán tại các chuỗi siêu thị lớn tại Hàn Quốc.

    Ở nước ta, mắc ca được gọi là “nữ hoàng” của các loại hạt. Sau thị trường Nhật Bản, việc hạt mắc ca được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Hàn Quốc một lần nữa mở ra cơ hội cho loại hạt đặc sản này của Đắk Lắk sang các nước châu Á và thế giới.

    Vừa mới đây, UBND huyện Cao Phong phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Hoà Bình cùng các doanh nghiệp tổ chức lễ xuất khẩu chuyến cam Cao Phong đầu tiên sang thị trường Anh. 

    cam cao phong.jpg

    Cam Cao Phong, bưởi Diễn và bưởi da xanh được bày bán tại các hệ thống siêu thị ở Anh (Ảnh: báo Hoà Bình)

    Trước đó, cam Cao Phong được gửi đi phân tích. Kết quả cho thấy, toàn bộ các mẫu thử nghiệm không phát hiện bất kỳ hoạt chất nào trong danh mục 900 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật bắt buộc phải phân tích theo tiêu chuẩn châu Âu.

    Mở cửa được thị trường Anh là dấu mốc quan trọng sau 40 năm một lần nữa cam Cao Phong vươn ra thế giới, đồng thời chứng minh sản phẩm cam Cao Phong đã đủ điều kiện để xuất khẩu sang nhiều thị trường cao cấp.

    Cùng thời gian, lô xoài tượng da xanh đầu tiên của An Giang được xuất khẩu sang Úc và Mỹ, mở ra cơ hội cho trái xoài ĐBSCL đi xa và cạnh tranh trên thương trường quốc tế.  

    Thực tế, những năm gần đây, các bộ, ngành nỗ lực mở cửa thị trường xuất khẩu cho sản phẩm rau quả Việt. Bởi, khi khơi thông được thị trường không chỉ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, đầu ra của các sản phẩm rau quả cũng được ổn định, xoá bỏ dần điệp khúc được mùa rớt giá.

    Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng rau quả của nước ta đạt 5,7 tỷ USD, vượt xa con số 3,36 tỷ USD của năm 2022 và xô đổ kỷ lục 3,81 tỷ USD năm 2018. 

    Đặc biệt, sau nhiều năm chững lại và đi ngang, xuất khẩu rau quả bứt phá mạnh, kim ngạch tăng tới 69,2% so với năm 2022. Theo đó, rau quả là ngành hàng ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong các nhóm hàng xuất khẩu của ngành nông nghiệp nước ta năm 2023. 

    Với con số 5,7 tỷ USD, rau quả cũng vượt qua gạo và cà phê, trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu xếp thứ 3 trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ sau lâm sản và thuỷ sản.

     

    xuat-khau-rau-qua-1.png (Đồ hoạ: Tâm An)

    Đặc biệt, sau khi ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, đơn hàng sầu riêng bùng nổ, thu về khoảng 2,3 tỷ USD năm 2023, trở thành “trái cây tỷ USD” mới của Việt Nam. Nhờ đó, hàng chục nghìn nông dân sầu riêng ở các tỉnh thành của nước ta thu được tiền tỷ trong năm qua.

    Nhắm tới mục tiêu 6-7 tỷ USD

    Tiếp nối thành công của năm 2023, ngành hàng rau quả nhắm tới mục tiêu xuất khẩu đạt 6 tỷ USD trong năm nay, thậm chí kỳ vọng đạt 7 tỷ USD nếu tận dụng tốt các thời cơ.

    Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, xuất khẩu rau quả sẽ đón nhận nhiều cơ hội tốt trong năm 2024. Bởi, thời gian qua chúng ta đã mở cửa được nhiều thị trường xuất khẩu.

    Ông Tiến dẫn chứng, khi ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc, chúng ta chỉ ước kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Thế nhưng, kết thúc năm kim ngạch xuất khẩu loại trái cây này vượt qua tất cả các dự báo trước đó. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc mở cửa thị trường xuất khẩu theo đường chính ngạch. 

    “Tới đây chúng ta sẽ ký thêm nghị định thư xuất khẩu dừa, sản phẩm sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc thì kim ngạch xuất khẩu còn cao hơn nữa”, ông Tiến nhấn mạnh. Đáng nói, xuất khẩu 1 container cơm sầu riêng đông lạnh có giá trị cao gấp nhiều lần so với trái tươi.

    Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cũng đang đàm phán xuất khẩu thêm ớt tươi sang thị trường này.

    W-nong-san.jpg

    Xuất khẩu rau quả năm 2024 nhắm tới mục tiêu 6-7 tỷ USD (Ảnh: Thạch Thảo)

    Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả cho rằng, chất lượng rau quả Việt Nam đã có sự chuyển dịch lớn, bảo đảm các tiêu chí vào nhiều thị trường. Bên cạnh đó, sự đa dạng trong sản phẩm với nhiều mặt hàng trái cây được thị trường thế giới ưa chuộng. 

    Việc Việt Nam đã ký kết nhiều Nghị định thư xuất khẩu vào các thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc là bước đệm để ngành rau quả tăng tốc trong xuất khẩu, ông khẳng định.

    Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng Trọt (Bộ NN-PTNT) thông tin, diện tích rau củ và cây ăn quả của nước ta ổn định. Theo đó, nước ta hoàn toàn đảm bảo chủ động sản xuất và xuất khẩu. 

    “Sầu riêng là trái cây chủ lực, bưởi và dừa nếu đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang Mỹ thì đây sẽ đột phá, giúp kim ngạch xuất khẩu ngành rau quả tăng mạnh”, ông Cường nhận định. 

    Theo ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ameii Việt Nam, 2023 là năm khởi động với xuất khẩu rau quả Việt Nam. Bởi Việt Nam còn nhiều tiềm năng với nhiều sản phẩm đang chờ được mở cửa thị trường.

    Tuy nhiên, để rau quả Việt tiếp tục tiến sâu vào các thị trường, ông Tiến cho rằng cần hoàn thiện khâu quản lý doanh nghiệp, quy trình sản xuất, phối hợp trong chuỗi liên kết… Đặc biệt, trong chuỗi liên kết, nông dân phải thay đổi tư duy và tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt mà các doanh nghiệp xuất khẩu yêu cầu.

    TÂM AN

    Nguồn: https://vietnamnet.vn/rau-qua-mo-cua-loat-thi-truong-cao-cap-tinh-thu-6-7-ty-usd-2236970.html 

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline