Sầu riêng Bình Phước chinh phục thị trường thế giới

Ngày đăng: 26/02/2024 09:02 AM

    Khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, canh tác đúng chuẩn, quản lý chặt mã số vùng trồng và đẩy mạnh liên kết chuỗi là cách sầu riêng Bình Phước bước ra biển lớn.

    Những đầu tàu dẫn dắt

    Nhắc đến trái sầu riêng, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ ngay đến sầu riêng Cái Mơn Bến Tre, Ri6 Vĩnh Long, Dona Đồng Nai… Nhưng từ lâu, sầu riêng đã âm thầm đâm chồi, nảy lộc, đơm hoa, kết trái trên mảnh đất đỏ bazan Bình Phước, nơi được mệnh danh là thủ phủ hồ tiêu, điều, cao su.

    Hiện tổng diện tích sầu riêng tỉnh này đã đạt gần 6.000ha, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam bộ, chỉ sau Đồng Nai. Đáng chú ý, nhờ đi sau, hầu hết các nhà vườn sầu riêng nơi đây đã chủ động thay đổi phương thức sản xuất, đẩy mạnh đầu tư công nghệ, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật canh tác bền vững theo hướng VietGAP, GlobalGAP. Minh chứng là nhiều nhà vườn đã được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc.

    Người trồng sầu riêng Bình Phước chủ động thay đổi phương thức sản xuất, đẩy mạnh đầu tư công nghệ, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật canh tác bền vững. Ảnh: Trần Trung.

    Người trồng sầu riêng Bình Phước chủ động thay đổi phương thức sản xuất, đẩy mạnh đầu tư công nghệ, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật canh tác bền vững. Ảnh: Trần Trung.

    Huyện Phú Riềng là một trong những địa phương có diện tích sầu riêng lớn và lâu đời của tỉnh Bình Phước, với tuổi cây từ 10 - 15 năm, thậm chí có vườn trên 25 năm đang giai đoạn "hoàng kim" cho quả. Chỉ vài năm trở lại đây, nhiều tỷ phú nông dân đã ra đời. Không chỉ làm giàu cho bản thân, các chủ trang trại còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm thông qua việc thành lập các HTX, từng bước hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến xuất khẩu sản phẩm.

    HTX Long Phú ở xã Long Tân, huyện Phú Riềng là một trong những HTX được Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước chọn làm “đầu tàu” dẫn dắt sầu riêng Bình Phước xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhờ sớm thay đổi tư duy sang canh tác hữu cơ và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, ngay sau khi nghị định thư được ký kết, HTX đã được cấp mã số vùng trồng.

    HTX Long Phú chủ động sản xuất sầu riêng theo hướng hữu cơ ngay từ khi mới thành lập. Ảnh: Trần Trung.

    HTX Long Phú chủ động sản xuất sầu riêng theo hướng hữu cơ ngay từ khi mới thành lập. Ảnh: Trần Trung.

    Dẫn chúng tôi thăm vườn sầu riêng xanh mướt được canh tác theo hướng hữu cơ, đạt chuẩn VietGAP, ông Nguyễn Hữu Năm, Chủ tịch HĐQT HTX Long Phú phấn khởi cho biết, trước đây ông sở hữu lên tới 30ha cao su. Năm 2005 khi cao su già cỗi, trong khi nhiều người chuyển sang trồng hồ tiêu vì thời điểm đó hồ tiêu đang trong thời kỳ hoàng kim thì ông lại trồng sầu riêng - cây trồng còn khá lạ lẫm với người dân trong vùng và không ít người lời ra tiếng vào, thậm chí cho rằng ông "khùng" bởi thiếu kinh nghiệm sản xuất, bệnh thối thân xì mủ hoành hành, ông thất bại triền miên.

    Để vượt qua khủng hoảng, ông đã thử nghiệm nhiều phương pháp. Đến nay, ông Năm tự hào là một trong những người có thể áp chế hoàn toàn bệnh thối thân xì mủ và các bệnh khác trên cây sầu riêng.

    Đứng cạnh cây sầu riêng 25 năm tuổi từng bị nhiễm bệnh, 90% gốc cây bị bong tróc phần da, phần lõi gỗ hiện ra trông thấy rõ nhưng vẫn xanh tốt lạ thường, ông Nguyễn Hữu Năm bật mí, cây sầu riêng không chịu được ngập úng và khá mẫn cảm với chất hoá học. Để canh tác sầu riêng hiệu quả, ngoài làm tốt công tác tiêu thoát nước, việc làm đất và đảm bảo chất dinh dưỡng cho cây bằng phân hữu cơ rất quan trọng.

    Ông Nguyễn Hữu Năm chủ động đưa cơ giới hoá vào xử lý đất, đảm bảo dinh dưỡng, giúp cây khoẻ, chất lượng quả ngon. Ảnh: Trần Trung.

    Ông Nguyễn Hữu Năm chủ động đưa cơ giới hoá vào xử lý đất, đảm bảo dinh dưỡng, giúp cây khoẻ, chất lượng quả ngon. Ảnh: Trần Trung.

    Theo đó, trước khi xuống giống cần bón một lượng phân hữu cơ hoai mục đủ lớn để đảm bảo đủ cho cây phát triển trong thời gian dài. Đối với xử lý sâu bệnh, cần ưu tiên phòng hơn trị.

    Phương pháp ông Năm ưu tiên hàng đầu và thường xuyên áp dụng là sử dụng chế phẩm Trichoderma với hàm lượng gấp 2 lần so với khuyến cáo, không chỉ đối kháng với nấm Phytophthora - tác nhân chính gây bệnh thối thân xì mủ mà chế chẩm này còn phân giải hữu cơ, giúp vi sinh vật có lợi trong đất phát triển, giúp bộ rễ cây khoẻ, phát triển tốt.

    “Lâu nay, nhiều người cho rằng sử dụng các loại thuốc hóa học, chất kích thích cây mang lại lợi nhuận cao hơn. Nhưng thực tế, làm nông nghiệp hữu cơ mới thật sự tốt về lâu dài vì đất được nuôi dưỡng, không bị hóa chất làm bạc màu, cây có tuổi thọ lâu hơn. Và cây sầu riêng càng lâu năm càng cho trái ngon ngọt, sản phẩm sạch và có giá trị kinh tế cao”, ông Năm tự tin khẳng định.

    Từ chiếc máy cày xới, ông Năm đã cải tiến thành máy phun xịt '5 trong 1' ứng dụng thực tiễn cao. Ảnh: Trần Trung.

    Từ chiếc máy cày xới, ông Năm đã cải tiến thành máy phun xịt "5 trong 1" ứng dụng thực tiễn cao. Ảnh: Trần Trung.

    Bên cạnh đó, để tối ưu hoá chi phí sản xuất, ông Năm còn được biết đến là "kiện tướng" sáng chế, các sáng kiến của ông được ứng dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất. Từ chiếc máy cày xới, tuy không qua một lớp chính quy nào đào tạo về cơ khí, song ông Năm đã cải tiến thành máy phun xịt "5 trong 1".

    “Ưu điểm của máy là bảo vệ sức khỏe con người, lượng thuốc tản đều khắp cây, cả mặt trong và mặt ngoài tán lá, giúp cây hấp thụ một cách triệt để thuốc khi phun xịt và sâu bệnh được loại bỏ hoàn toàn. Mọi công đoạn đều được tự động từ khâu pha thuốc, bơm lên bồn, và xịt lên cây. Tài xế chỉ việc ngồi trong khoang đầu điều khiển”, ông Năm chia sẻ.

    Ông Năm tự hào là một trong những người có thể áp chế hoàn toàn bệnh thối thân xì mủ và các bệnh khác trên cây sầu riêng. Ảnh: Trần Trung.

    Ông Năm tự hào là một trong những người có thể áp chế hoàn toàn bệnh thối thân xì mủ và các bệnh khác trên cây sầu riêng. Ảnh: Trần Trung.

    Ngoài máy cày phun xịt đa năng, từ thực tiễn sản xuất, ông Năm còn sáng chế ra kéo cắt tỉa trái non, máy phát cỏ chạy bằng động cơ xe máy… rất hiệu quả. Những sáng chế này đang được các thành viên trong HTX và người trồng sầu riêng trong vùng áp dụng rộng rãi.

    Làm chủ chế biến, đưa sầu riêng ra biển lớn

    Không chỉ sản xuất giỏi, hiện Bình Phước còn xuất hiện nhiều nông dân làm chủ cả công nghệ chế biến, đưa quả sầu riêng từ vườn đến tận tay nhà nhập khẩu, khẳng định thương hiệu, nâng cao chuỗi giá trị sầu riêng Bình Phước nói riêng, Việt Nam nói chung.

    Trong đó, tiêu biểu nhất là HTX Bầu Nghé tại thị xã Phước Long do ông Trương Văn Đảo - Giám đốc HTX dẫn dắt. Đây là đơn vị duy nhất của tỉnh Bình Phước có mã số kép về vùng trồng và cơ sở đóng gói để xuất sầu riêng thẳng đi Trung Quốc.

    Nhà xưởng của ông Ba Đảo tọa lạc tại thôn Bầu Nghé, xã Phước Tín, thị xã Phước Long. Ảnh: Trần Trung.

    Nhà xưởng của ông Ba Đảo tọa lạc tại thôn Bầu Nghé, xã Phước Tín, thị xã Phước Long. Ảnh: Trần Trung.

    Đến thăm nhà xưởng có diện tích hơn 5.000m2 với đầy đủ các thiết bị, công nghệ hiện đại cấp đông sầu riêng nguyên trái, chế biến sâu sản phẩm của ông Trương Văn Đảo, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng khi người nông dân chân đất đã vươn vai thành doanh nghiệp.

    Ông Đảo phấn khởi cho biết, gần 30 năm gắn bó với mảnh đất Phước Long là bấy nhiêu thời gian ông đặt hết tâm sức cho cây sầu riêng, luôn cố gắng tạo ra trái sầu riêng có mẫu mã đẹp, chất lượng cao, an toàn.

    Nhận thấy đa số sầu riêng địa phương thiệt thòi do bị thương lái thao túng, muốn bứt phá, cần phải chế biến sản phẩm tại chỗ theo hướng chuyên sâu để gia tăng giá trị sản phẩm. Từ đó, HTX đã xây dựng các nhà máy sơ chế, chế biến gắn với vùng nguyên liệu để thuận lợi cho người dân, giảm chi phí đầu tư, tăng giá trị đầu ra cho sản phẩm.

    Sản phẩm sầu riêng mang thương hiệu Ba Đảo được người tiêu dùng tin dùng. Ảnh: NVCC.

    Sản phẩm sầu riêng mang thương hiệu Ba Đảo được người tiêu dùng tin dùng. Ảnh: NVCC.

    Theo đó, phương thức chủ yếu nhà máy HTX áp dụng là cấp đông nguyên trái và tách múi, toàn bộ kho chứa ứng dụng công nghệ cấp đông bằng khí ni-tơ lạnh được nhập khẩu từ châu Âu. Nhà máy đáp ứng nhu cầu bảo quản sản phẩm của tất cả hội viên trong và ngoài HTX, từ đó, giúp nhà nông chủ động giải quyết đầu ra cho nông sản, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.

    "Với độ lạnh dưới -100 độ C, việc cấp đông nhanh giúp giữ nguyên được hương vị sầu riêng, bảo quản được lâu và không bị thất thoát khối lượng, giải quyết được hàng chín rộ và tính được chuyện dự trữ khi thừa hàng, dội chợ”, ông Đảo chia sẻ.

    Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, tiềm năng của thị trường Trung Quốc rất lớn. Muốn sầu riêng vào được thị trường Trung Quốc đòi hỏi phải có mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói... Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp và nông dân tại địa phương đã sớm nhận thấy tiềm năng từ thị trường tỷ dân và thay đổi tư duy sản xuất. Phía Sở NN-PTNT cũng đã tập trung hỗ trợ nông dân, tạo vùng nguyên liệu có mã vùng trồng, các doanh nghiệp có mã đóng gói giúp cây sầu riêng phát triển bền vững.

    Lãnh đạo Sở NN-PTNT Bình Phước kiểm tra mã số vùng trồng sầu riêng. Ảnh: Trần Trung.

    Lãnh đạo Sở NN-PTNT Bình Phước kiểm tra mã số vùng trồng sầu riêng. Ảnh: Trần Trung.

    Toàn tỉnh hiện có hơn 1.015ha sầu riêng được chứng nhận tiêu chuẩn GAP. Trong đó có 831ha đạt tiêu chuẩn VietGAP và 184 GlobalGAP. Riêng trong tháng 7/2023, Bình Phước đã có 21 mã số vùng trồng sầu riêng và 2 mã số đóng gói được cấp mới, nâng tổng số mã số vùng trồng sầu riêng toàn tỉnh lên 38 với diện tích có mã số chiếm trên 20%/tổng diện tích sầu riêng cả tỉnh. Đặc biệt, địa phương có 31 chuỗi liên kết trong trồng sầu riêng, trong đó có 20 doanh nghiệp tham gia liên kết với 29 HTX xây dựng mã số vùng trồng tại tỉnh.

    Tính đến tháng 6/2023, diện tích cây sầu riêng của Bình Phước là 5.300ha, sản lượng ước đạt 14.850 tấn, tập trung tại các huyện Bù Đăng, Phú Riềng, Bù Gia Mập và Lộc Ninh, với cơ cấu giống gồm Dona chiếm 61%; Ri6 31%; Chín Hóa 5%; giống khác 4,3%.

    Trần Trung

    Nguồn: https://nongnghiep.vn/sau-rieng-binh-phuoc-chinh-phuc-thi-truong-the-gioi-d375082.html 

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline