Người Việt sẵn sàng chi 30 USD cho 1kg cá hồi Na Uy và bài học cho thủy sản

Ngày đăng: 31/03/2023 04:03 PM

    Theo ông Asbjørn Warvik Rørtveit - giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Hội đồng Hải sản Na Uy (NSC), người Việt sẵn sàng mua cá hồi Na Uy với giá 30 USD/kg vì nước này không chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng và thương hiệu.

    Người Việt sẵn sàng chi 30 USD cho 1kg cá hồi Na Uy và bài học cho thủy sản - Ảnh 1.

    Các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày trước khi bắt đầu hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH

    Sáng 31-3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, báo Tuổi Trẻ, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, VASEP đồng tổ chức hội thảo với chủ đề “Phát triển chuỗi liên kết, nâng tầm thương hiệu thủy sản Việt” tại TP Vũng Tàu.

    Tại không gian triển lãm bên ngoài, các doanh nghiệp tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã trưng bày các sản phẩm OCOP 4-5 sao thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của các đại biểu. 

    Trực tiếp giới thiệu các sản phẩm đặc sản tỉnh nhà trước các khách mời, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Thị Na - cho biết có 12 doanh nghiệp với các sản phẩm nổi bật, đạt tiêu chuẩn OCOP đã ngội ngộ tại hội thảo để các khách mời có thể trực tiếp xem, trải nghiệm sản phẩm. 

    Tại hội thảo, đại diện các đơn vị, cơ quan sẽ cùng nhau thảo luận các giải pháp nâng tầm thương hiệu thủy sản Việt Nam. Trong đó, các diễn giả sẽ trình bày các tham luận về các chủ đề gợi mở như liên kết mang lại thành công cho ngành thủy sản, khép kín chuỗi giá trị - nâng tầm thương hiệu con tôm Việt, thực trạng và giải pháp phát triển bền vững nghề cua Cà Mau, mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

    Người Việt sẵn sàng chi 30 USD cho 1kg cá hồi Na Uy và bài học cho thủy sản - Ảnh 2.

    Bà Nguyễn Thị Phượng - phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thông Việt Nam (đứng giữa) tham quan các gian hàng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

    Đặc biệt, hội thảo sẽ được nghe tham luận của việc phát triển chuỗi giá trị thủy sản nuôi trồng và chìa khóa thành công của cá hồi Na Uy của giám đốc khu vực châu Á Thái Bình Dương - Hội đồng hải sản Na Uy. 

    Đây là hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động của diễn đàn "Phát triển ngành công nghiệp thủy sản: khai thác bền vững - đẩy mạnh nuôi trồng" do báo Tuổi Trẻ khởi xướng từ năm 2022, phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tổ chức, với sự đồng hành của Ngân hàng Agribank và một số doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến thủy sản… 

    Đề xuất hình thành những cụm công nghiệp kinh tế biển

    Người Việt sẵn sàng chi 30 USD cho 1kg cá hồi Na Uy và bài học cho thủy sản - Ảnh 1.

    Bà Nguyễn Thị Phượng - phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thông Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH

    Bà Nguyễn Thị Phượng - phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) - đã chia sẻ thông tin quan trọng là tổng dư nợ cấp tín dụng của Agribank hiện nay là 1,5 triệu tỉ đồng, trong đó cho vay trong lĩnh vực thủy sản chỉ có 40.000 tỉ đồng (chiếm 2,5% tổng dư nợ cho vay của Agribank).

    Theo bà Phượng, điều này cho thấy diện tích mặt nước biển gấp 3 lần diện tích đất liền nhưng tổng dư nợ cho vay thể hiện chúng ta chưa khai thác một cách hiệu quả cũng như nguồn lực dành cho kinh tế biển còn hạn chế.

    Bà Phượng cho biết trong số 40.000 tỉ đồng này, đầu tư cho nuôi trồng thủy sản chiếm trên 83,5%. Trong dư nợ cho vay ngành thủy sản, các doanh nghiệp sẽ thấy không hợp lý khi khách hàng doanh nghiệp chỉ chiếm 3,7%, còn lại đại bộ cho vay khách hàng nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình.

    Người Việt sẵn sàng chi 30 USD cho 1kg cá hồi Na Uy và bài học cho thủy sản - Ảnh 2.

    Ban tổ chức tặng kỷ niệm chương và hoa cho các đơn vị đồng hành - Ảnh: QUANG ĐỊNH

    Lý giải về tỉ lệ cho vay này, bà Phượng cho biết đối với ngân hàng, đơn vị này quan tâm đến 2 yếu tố chính là rủi ro trong quá trình sản xuất và khả năng tiêu thụ. “Để dự án có hiệu quả, đương nhiên phải làm tốt khâu tiêu thụ”, bà Phượng nhấn mạnh.

    Đặt vấn đề vì sao doanh nghiệp khó tiếp cận hơn cá nhân, bà Phượng cho rằng khi đầu tư quy mô lớn thì rủi ro tập trung càng cao trong khi quản trị rủi ro trong quá trình sản xuất chưa được giải quyết một cách triệt để. 

    Trong khi đó, khách hàng cá nhân quy mô vay nhỏ, rủi ro không tập trung nên, nên nếu xảy ra thiệt hại với một số vùng thì rủi ro không lớn đối với ngân hàng thương mại. 

    “Chỉ có Agribank là ngân hàng lớn nhất hiện nay khi có quy mô cấp tín dụng đến 1,5 triệu tỉ đồng thì chúng tôi mới có thể dành nguồn lực để đầu tư cho ngành này với với quy mô lớn như vậy”, bà Phượng chia sẻ.

    Từ góc độ ngân hàng, bà Phượng đã chia sẻ những kinh nghiệm thẩm định cho vay và đây cũng là yêu cầu đối với các dự án, đó là quản lý rủi ro về môi trường để môi trường nuôi trồng sản xuất làm thế nào để không ô nhiễm. 

    Thứ hai, cần quản lý quy trình, chất lượng sản phẩm. Thứ ba là vấn đề tiêu thụ khi phụ thuộc thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Trung Quốc, nếu có rủi ro về thị trường sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành thủy sản.

    Bên cạnh đó, mô hình sản xuất cũng được ngân hàng lưu ý khi mô hình sản xuất còn manh mún.

    Bà Phượng cho biết ngân hàng kỳ vọng và đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương có biển quan tâm đến quy hoạch đến vùng sản xuất. 

    Trong đó, bà Phượng cho rằng cần có cụm công nghiệp kinh tế biển, cần có cơ chế thu hút nhà đầu tư cho hạ tầng, đảm bảo môi trường nuôi trồng đồng nhất, thu hút các nhà đầu tư về ươm giống, thức ăn, sơ chế, chế biến… 

    Điều này tạo nên mô hình khép kín, khi này các công ty bảo hiểm mới dám vào bảo hiểm rủi ro, các dự án mới được bảo hiểm thì các ngân hàng sẵn sàng đầu tư khi rủi ro giảm thiểu.

    Người Việt sẵn sàng chi 30 USD cho 1kg cá hồi Na Uy và bài học cho thủy sản - Ảnh 3.

    Nhà báo Lê Thế Chữ - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ tặng hoa cám ơn ông Nguyễn Công Vinh - phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và ông Lê Hoàng Hải - phó chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: QUANG ĐỊNH

    Bên cạnh đó, bà Phượng đề xuất cần có cơ chế, luật phù hợp đối với khai thác mặt nước, có giấy chứng nhận khai thác mặt nước cho các nhà đầu tư dài hạn để có những cụm kinh tế biển, có du lịch, đầu tư, khai thác và các dịch vụ xung quanh để đất nước thực sự mạnh về kinh tế biển.

    Ngoài ra, bà Phượng cũng đặt vấn đề khai thác, phát triển hết tiềm năng của kinh tế biển xa bờ, du lịch, nuôi trồng có những dự án ở vùng biển xa bờ… để khai thác tối đa tiềm năng, phát triển bền vững.

    Đặc biệt, bà Phượng cũng cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa việc marketing sản phẩm thủy sản Việt, xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm, xây dựng truyền thông về văn hóa ẩm thực.

    “Nguồn vốn chúng tôi không hề thiếu, cơ chế chính sách không hề thiếu, hiện nay chúng tôi có nguồn vốn cho các dự án xanh, các dự án đảm bảo về môi trường, phát triển bền vững, được cho vay với lãi suất rất ưu đãi”, bà Phượng nói.

    Diện tích gấp 150 lần song giá trị xuất khẩu lúa còn thua cá tra

    31/03/2023 11:16 GMT+7

    Người Việt sẵn sàng chi 30 USD cho 1kg cá hồi Na Uy và bài học cho thủy sản - Ảnh 1.

    Ông Lê Hà Luân - Bí thư Thành ủy thành phố Hồng Ngự (Đồng Tháp) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

    Ông Lê Hà Luân - bí thư Thành ủy thành phố Hồng Ngự (Đồng Tháp) - cho biết tại Hồng Ngự, diện tích trồng lúa gấp 150 lần so với nuôi cá tra, song giá trị xuất khẩu thủy sản của Hồng Ngự năm ngoái là 980 triệu USD (chủ yếu là cá tra) còn xuất khẩu lúa cũng khoảng 900 triệu USD (3,3 triệu tấn lúa).

    Theo ông Luân, ngành cá tra ở Hồng Ngự hiện mang lại giá trị xuất khẩu cao cho địa phương cũng như tỉnh Đồng Tháp và quốc gia. Tại “thủ phủ cá tra” Hồng Ngự, việc phát triển ngành này chủ yếu chuyển từ việc nuôi trồng tự nhiên sang ươm trồng nhân tạo, hiện TP này chiếm 50% sản lượng giống toàn tỉnh.

    Còn đối với thực trạng hiện nay, ông Luân cho hay ngành cá tra đang gặp nhiều thách thức từ biến đổi môi trường, con giống, chế biến - xuất khẩu không phát triển so với 20 năm trước, hiện chỉ có một số sản phẩm gia tăng như dầu ăn từ cá tra… song chưa có tác động lớn đến ngành. Bên cạnh đó, quản lý quy hoạch, việc hình thành các chuỗi liên kết chặt chẽ cũng còn nhiều hạn chế, còn cắt khúc.

    Theo ông Luân, ngành thủy sản cần phải đổi mới nhiều thách thức, không đơn thuần là công nghệ, thị trường, vốn… Ở góc độ ở địa phương, cần giải quyết vấn đề liên kết, kết nối, nâng giá trị gia tăng của cá tra, xây dựng chuỗi đủ chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, cũng cần phải lưu ý đến vấn đề môi trường, cải thiện công nghệ chế biến khi công nghệ còn lạc hậu, phụ thuộc vào lao động.

    Ông Luân cho hay lượng lao động tại Đồng Tháp là công nhân ngành thủy sản đang già, gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

    Người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi 30 USD cho 1kg cá hồi Na Uy và bài học cho thủy sản Việt

    31/03/2023 10:56 GMT+7

    Thủ tướng sẽ làm việc với ngành thủy sản để đảm bảo các mục tiêu xuất khẩu năm 2023 - Ảnh 1.

    Ông Asbjørn Warvik Rørtveit – giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Hội đồng Hải sản Na Uy (NSC) trình bày tham luận Hiệu quả của việc phát triển chuỗi giá trị hải sản nuôi trồng của Na Uy - Ảnh: QUANG ĐỊNH

    Theo ông Asbjørn Warvik Rørtveit - giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Hội đồng Hải sản Na Uy (NSC), năm 2022 là năm tốt nhất từ ​​trước đến nay đối với xuất khẩu thủy sản của Na Uy khi xuất khẩu 2,9 triệu tấn thủy sản với giá trị 151,4 tỉ NOK (đơn vị tiền tệ Na Uy tương đương 14,5 tỉ USD), tăng 30,7 tỉ NOK (2,9 tỉ USD) so với năm 2021. Thủy sản Na Uy là một mặt hàng toàn cầu được bán cho 149 thị trường vào năm ngoái.

    Năm 2022, Na Uy xuất khẩu 1,3 triệu tấn thủy sản nuôi trồng, đạt giá trị 111,3 tỉ NOK, tăng 25,7 tỉ NOK so với năm 2021 (giá trị từ nuôi trồng thủy sản Na Uy năm 2022 chiếm 73% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, và chiếm 45% về khối lượng).

    Theo ông Asbjørn Warvik Rørtveit, trong giá trị xuất khẩu, cá hồi chiếm lượng lớn với giá xuất khẩu ở mức 10 USD/kg. Theo khảo sát, giá bán mặt hàng này tại thị trường Việt Nam là 30 USD/kg.

    “Nghĩa là các doanh nghiệp Việt Nam có thể bán gấp 3 lần là do giá trị thương hiệu của Na Uy, vì khách khách hàng sẵn sàng trả giá đó. Chính vì vây mà các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu nhiều cá hồi Na Uy hơn, chúng tôi không cần nhất thiết cứ đẩy sản lượng mà tập trung vào chất lượng. 

    Thực tế, Chính phủ Na Uy luôn đặt ra trần sản xuất và đánh bắt hải sản chung, chúng tôi không thể tăng sản lượng tùy ý nhưng có thể tăng giá trị bằng việc xây dựng chuỗi giá trị”, ông Asbjørn Warvik Rørtveit khẳng định.

    Theo vị này, hải sản được ngư dân và các công ty nuôi trồng thủy sản thu hoạch từ các vùng nước ven biển và nội địa, sau đó được sơ chế để chuyển đến các nhà máy chế biến, đặc biết chế biến thứ cấp như nấu chín, đóng hộp và các sản phẩm ăn liền để tăng thêm giá trị.

    “Ngành thủy sản Na Uy rất chú trọng đến tính bền vững, chất lượng và an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi giá trị. Na Uy đã phát triển một khung pháp lý mạnh mẽ để đảm bảo rằng hải sản được thu hoạch bền vững, chế biến an toàn và vận chuyển theo các tiêu chuẩn cao nhất. 

    Ngành cũng đầu tư mạnh cho nghiên cứu và phát triển để cải tiến quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Đây cũng là điều mà Việt Nam cần lưu ý để phát triển nuôi trồng thuỷ sản, tăng giá trị”.

    Thủ tướng sẽ làm việc với ngành thủy sản để đảm bảo các mục tiêu xuất khẩu năm 2023 - Ảnh 2.

    Ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Công ty đầu tư thủy sản Nam Miền Trung - Ảnh: QUANG ĐỊNH

    Lấy thành công từ việc nuôi và phân phối cá hồi Na Uy, ông Nguyễn Hoàng Anh - chủ tịch Công ty đầu tư thủy sản Nam Miền Trung cho rằng đó là bài học cho ngành thủy sản Việt Nam. 

    “Chúng ta phải suy nghĩ vì sao cá hồi ở Na Uy chỉ 10 đô la Mỹ một ký mà sang đến Việt Nam lên đến 30 đô la Mỹ?”, ông Hoành Anh đặt câu hỏi. “Đó là họ có tiêu chuẩn, có tiêu chí sản phẩm, có chất lượng sản phẩm nên họ tự tin đưa sản phẩm của mình ra thế giới”, ông Hoàng Anh tự trả lời.

    Với ngành tôm Việt Nam, ông Hoàng Anh nói thẳng từ hơn 10 năm chỉ loay hoay ở con số 3-4 tỉ đô la Mỹ. “10 năm mà con số cũng chỉ có vậy thì lợi nhuận đâu ra, trượt giá đã hết rồi”, ông Hoàng Anh nói.

    Vị đại diện của Công ty thủy sản Nam Miền Trung chỉ ra rằng, để nâng tầm thương hiệu cho ngành thủy sản Việt Nam, để tạo ra chuỗi sản xuất thì trước hết là lòng tin và cấu trúc sản phẩm một cách bền vững, chắc chắn. “Muốn nâng tầm thương hiệu thì phải ổn định chất lượng và số lượng. Từng đơn vị trong mắt xích phải có tiêu chí, và phải được công bố tiêu chí”, ông Hoàng Anh đề xuất.

    Bài học của Na Uy cho thấy sản lượng không phải là tất cả. Việc chế biến sâu nâng cao chuỗi giá trị sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho toàn ngành.

    Nghịch lý ngành khác đi tới đâu thì thủy sản thu hẹp tới đó

    31/03/2023 10:23 GMT+7

    Thủ tướng sẽ làm việc với ngành thủy sản để đảm bảo các mục tiêu xuất khẩu năm 2023 - Ảnh 1.

    Ông Trần Công Khôi - phó vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản chia sẻ nhiều nghịch lý ảnh hưởng đến phát triển thủy sản Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH

    Ông Trần Công Khôi - vụ phó vụ Nuôi trường thủy sản (Tổng cục Thủy sản) - đánh giá ngành thủy sản phát triển tương đối tốt song có điểm yếu là liên kết.

    Theo ông Khôi, ngành thủy sản về cơ bản có đầy đủ quy hoạch của ngành như quy hoạch tôm, cua, cá tra… Song với quy hoạch thủy sản ở cấp tỉnh, hiện nay chỉ mới có 2 tỉnh là Thanh Hóa và Quảng Ninh phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh. Tuy vậy, ông Khôi cũng đặt vấn đề mang tính nghịch lý hiện nay là các ngành kinh tế khác đi đến đâu thì ngành thủy sản thu hẹp đến đó, đặc biệt là ngành du lịch.

    Ông khôi mong muốn các địa phương quan tâm để cân đối, hài hòa giữa phát triển thủy sản và du lịch, nếu nghiêng về một bên sẽ khó khăn, việc phát triển quy hoạch phải hài hòa được các mâu thuẫn này. Còn đối với thủy sản, quy hoạch các vùng nuôi cơ bản đã định hình. Theo ông Khôi, khi các tỉnh tích hợp thủy sản vào quy hoạch địa phương thì sẽ có không gian cho phát triển của ngành này.

    Đưa con hàu Long Sơn lên bàn tiệc, xuất khẩu ra thế giới

    31/03/2023 10:01 GMT+7

    Thủ tướng sẽ làm việc với ngành thủy sản để đảm bảo các mục tiêu xuất khẩu năm 2023 - Ảnh 1.

    Ông Nguyễn Quý Trọng Bình - giám đốc HTX thủy sản Như Ý - Ảnh: QUANG ĐỊNH

    Phát biểu tham luận về con hàu của xã đảo Long Sơn (TP Vũng Tàu) ông Nguyễn Quý Trọng Bình - giám đốc HTX thủy sản Như Ý cho biết, hiện trên sông Chà Và, sông Dinh, sông Rạng ở Long Sơn có khoảng hơn 300 cơ sở nuôi với hơn 13.500 lồng nuôi với các loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao, trong đó con hàu chiếm rất khá lớn. Sản lượng các loài khoảng 15.000 - 20.000 tấn/năm.

    Tuy nhiên theo ông Bình việc nuôi trồng thủy sản ở đây còn mang tính tự phát, thiếu bền vững, chưa có sự liên kết chặt chẽ, rõ ràng giữa du lịch với ẩm thực và hướng đến xuất khẩu. Những năm gần đây, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, ổn định trật tự cũng như chính sách liên kết để phát triển nghề nuôi hàu nói riêng và các loài khác nói chung ở Long Sơn theo hướng bền vững, thương mại hóa, giá trị gia tăng cao.

    Thủ tướng sẽ làm việc với ngành thủy sản để đảm bảo các mục tiêu xuất khẩu năm 2023 - Ảnh 2.

    Đại biểu tham dự hội thảo “Phát triển chuỗi liên kết, nâng tầm thương hiệu thủy sản Việt” - Ảnh: QUANG ĐỊNH

    Ông Bình cũng thông tin rằng, Hợp tác xã Thủy sản Như Ý ra đời với mục đích để tạo ra chuỗi liên kết từ người nuôi trồng đến bàn tiệc, từ nuôi trồng đến tinh chế, và đóng gói xuất khẩu. 

    “Trước mắt chúng tôi bao tiêu sản phẩm cho người nuôi với giá cả ổn định. Tại Long Sơn, có nhà hàng phục vụ du khách. Chúng tôi cũng đang lên kế hoạch với các công ty du lịch lữ hành để cùng đưa du khách sau khi tham quan Long Sơn sẽ thưởng thức đặc sản hàu của địa phương. Đặc biệt, chúng tôi đang xúc tiến việc đóng gói hàu để phục vụ trong nước và xuất khẩu”, ông Bình thông tin.

    Để tạo ra chuỗi liên kết, mang lại giá trị gia tăng cho con hàu Long Sơn, ông Bình kiến nghị chính quyền và ngành chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần sớm triển khai giao, cho thuê đất, mặt nước cho các hộ nuôi lồng bè trong vùng quy hoạch để họ làm thủ tục theo quy định. 

    Đồng thời tạo điều kiện và hướng dẫn cho người nuôi trồng, người kinh doanh dịch vụ ăn uống, du lịch trên lồng bè những kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn để đảm bảo an toàn.

    Xa hơn nữa để gắn kết giữa nuôi trồng thủy sản với du lịch, tỉnh và các ngành cần có chủ trương, quy hoạch, kế hoạch khoanh vùng khu vực làng bè kinh doanh dịch vụ ăn uống trên sông.

    Cà Mau đặt mục tiêu sản xuất 35.000-36.000 tấn cua/năm

    31/03/2023 09:53 GMT+7

    Thủ tướng sẽ làm việc với ngành thủy sản để đảm bảo các mục tiêu xuất khẩu năm 2023 - Ảnh 1.

    Ông Hồ Văn Việt - Trưởng phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản Chi Cục Thuỷ sản tỉnh Cà Mau trình bày tham luận thực trạng và giải pháp phát triển bền vững nghề cua Cà Mau - Ảnh: QUANG ĐỊNH

    Theo ông Hồ Văn Việt, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, cua Cà Mau là thương hiệu nổi tiếng cả nước. Hiện toàn tỉnh có khoảng 552.000 ha nuôi cua, trong đó có 20.000 ha đạt các chứng nhận quốc tế; có 523 trại sản xuất giống với năng lực sản xuất 700-800 triệu con giống mỗi năm. 

    Mục tiêu đến năm 2030 Cà Mau có 260.000 ha nuôi cua, năng suất 140kg/ha, sản lượng 35.000-36.000 tấn/năm, sản xuất cua giống 1,2 tỉ con/năm. 

    Tuy vậy, nghề nuôi cua gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, liên kết sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cua còn rất hạn chế khi chỉ 2 công ty liên kết với tổ hợp tác, HTX để tiêu thụ, còn liên kết từ đầu vào đến đầu ra chưa có mô hình nào, sản phẩm đầu ra còn hạn chế khi chỉ có một vài mặt hàng như cua sinh thái, bánh phồng tôm cua... 

    Ngoài ra, do thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, đặc biệt thị trường Trung Quốc dẫn đến giá cua khá bấp bênh khi có thời điểm lên 450.000-800.000 đồng/kg nhưng có lúc xuống 200.000-350.000 đồng/kg. Ô nhiễm môi trường, dịch bệnh trên cua do ký sinh trùng gây ra xảy ra phổ biến nhưng chưa có giải pháp kiểm soát hữu hiệu. Chất lượng cua giống chưa ổn định; chưa có thức ăn công nghiệp chuyên cho nuôi trồng cua.... 

    Để cải thiện năng suất và giá trị nuôi cua, thời gian tới, ngành nông nghiệp Cà Mau sẽ đầu tư để chuyển đổi nhanh hình thực nuôi cua truyền thông sang chuyên nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh nuôi cua sinh thái; đa dạng hoá sản phẩm chế biến từ cua, tiến đến xuất khẩu, xây dựng thương hiệu của Cà Mau.

    Tuy vậy, tỉnh cần Bộ NN&PTNT hỗ trợ các chính sách để nghề chăn nuôi cua phát triển tốt, trong đó cần xem xét đưa cua vào đối tượng nuôi chủ lực quốc gia.

    Làm sao xác lập thương hiệu, giá trị của con tôm Việt trên bàn ăn thế giới?

    31/03/2023 09:41 GMT+7

    Thủ tướng sẽ làm việc với ngành thủy sản để đảm bảo các mục tiêu xuất khẩu năm 2023 - Ảnh 1.

    Ông Võ Đức Trí - phó tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Thuỷ sản Việt Úc trình bày tham luận Khép kín chuỗi giá trị - Nâng tầm thương hiệu con tôm Việt - Ảnh: QUANG ĐỊNH

    Ông Vũ Đức Trí - phó tổng giám đốc điều hành tập đoàn Việt Úc - chia sẻ  Việt Nam có nhiều điều kiện địa lý thuận lợi để phát triển ngành tôm đó là bờ biển dài, nhiệt độ tối ưu 28-30 độ C, các dòng hải lưu lớn giúp hạn chế dịch bệnh lan tràn và hiện tượng xâm thực mặn tạo ra thêm nhiều vùng nuôi cũng như cơ hội thị trường. 

    Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều chính sách ưu đãi như thuế xuất khẩu thấp nhờ các thỏa thuận thương mại tự do với Nhật, EU, nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi phát triển ngành tôm và tôm được lựa chọn là sản phẩm chiến lược quốc gia với mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ USD vào 2025-2030. 

    Đặc biệt, Việt Nam đang có cơ cấu dân số vàng, kỹ năng và tay nghề lao động được nâng cao rõ rệt qua hàng năm. 

    Thủ tướng sẽ làm việc với ngành thủy sản để đảm bảo các mục tiêu xuất khẩu năm 2023 - Ảnh 2.

    Thu hoạch tôm tại Tập đoàn Việt Úc

    Tuy nhiên, ngành tôm cũng đối diện nhiều thách thức. Đó là dịch bệnh, biến đổi khí hậu, vùng nuôi nhỏ lẻ, thiếu sự đồng bộ trong khi các nước như Ecuador có vùng nuôi rộng lớn. 

    Theo ông Trí, nếu có vùng nuôi lớn thì sẽ có lợi thế về cơ sở hạ tầng, quy hoạch tổng thể, xử lý nước thải, vận chuyển… Bên cạnh đó, một thách thức lớn về thương hiệu, chất lượng sản phẩm, bản thân doanh nghiệp muốn làm sao xác lập thương hiệu, giá trị của con tôm Việt trên bàn ăn thế giới. 

    Ông Trí cho rằng cần phát triển ngành tôm Việt Nam công nghệ cao bền vững, có chuỗi giá trị khép kín. Trong đó, Việt Úc đã chú trọng đến cung cấp tôm giống chất lượng cao, thức ăn đảm bảo chất lượng, không kháng sinh trong suốt vòng đời, nhà máy chế biến tự động hóa, thân thiện với môi trường… 

    Hơn nữa, ngành tôm Việt Nam cần phải hướng đến bền vững cho người dùng và nâng tầm giá trị thương hiệu con tôm Việt Nam thông qua việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu nuôi trồng đến chế biến. 

    “Khi đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe nhất của các thị trường khó tính thì sẽ góp phần giúp nâng tầm thương hiệu Việt”, ông Trí khẳng định.

    VASEP: Liên kết là chìa khóa tăng trưởng của thủy sản Việt Nam

    31/03/2023 09:06 GMT+7

    Thủ tướng sẽ làm việc với ngành thủy sản để đảm bảo các mục tiêu xuất khẩu năm 2023 - Ảnh 1.

    Thủ tướng sẽ làm việc với ngành nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản để cải thiện các vấn đề, đảm bảo các mục tiêu để đảm bảo xuất khẩu ngành thuỷ sản năm 2023

    Phát biểu tại hội thảo, ông Trương Đình Hòe - tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) - cho biết cho biết năm vừa qua, tôm đã xuất khẩu 4,3 tỉ USD, cá tra 2,5 tỉ USD, hải sản 4,2 tỉ USD. 

    Tuy nhiên, đầu năm tới nay xuất khẩu giảm, có nhiều khó khăn, song các doanh nghiệp vẫn trong tâm thế phát triển, tăng trưởng để cung cấp thực phẩm cho thế giới. 

    Theo ông Hòe, để giúp cho ngành thủy sản tăng trưởng ấn tượng không còn gì khác bằng việc nâng giá trị sản phẩm thủy sản. Những kết quả vừa qua do chúng ta đã gia tăng giá trị chế biến thủy sản, trong khi các nước khác như Ấn Độ, Ecuador họ tập trung vào sơ chế. 

    Theo đó, để gia tăng giá trị xuất khẩu thủy sản cần phải tập trung 3 trụ cột, đó là sản phẩm an toàn cao, sản phẩm tốt cho sức khỏe, sản phẩm thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, động lực để phát triển xuất khẩu thủy sản cũng cần lưu ý đó là đáp ứng xu thế tiêu dùng và nâng giá trị sản phẩm thủy sản. 

    Thủ tướng sẽ làm việc với ngành thủy sản để đảm bảo các mục tiêu xuất khẩu năm 2023 - Ảnh 2.

    Tập đoàn Nam Việt đã chủ động tham gia thị trường nội địa với hơn 10 sản phẩm giá trị gia tăng từ con cá tra - Ảnh: BỬU ĐẤU

    Hiện nay, xu hướng tiêu dùng thủy sản tập trung vào các sản phẩm cho sức khỏe, sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Việt Nam có nhiều lợi thế. 

    Thứ nhất, đó là tính đa dạng về chủng loại trong nuôi trồng cũng như khai thác thủy sản, cân bằng nhu cầu sản phẩm từ đánh bắt, đảm bảo nguồn cung protein tốt. 

    Thứ hai, phát triển thủy sản Việt Nam theo mô hình kinh tế xanh, chú trọng nuôi trồng bền vững, ví dụ như mô hình tôm lúa, tôm rừng… tạo nên các sản phẩm nuôi trồng bền vững để thuyết phục khách hàng thế giới. 

    Thứ ba, có điều kiện sản xuất các sản phẩm mới từ các phụ phẩm, tăng khả năng cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam. 

    Ông Hòe cho biết có 3 vấn đề liên kết ngành thủy sản cần phải đẩy mạnh trong giai đoạn tới. Đó là tăng cường liên kết theo chuỗi sản xuất để tạo ra sản phẩm phù hợp, tăng cường liên kết trong chế biến để đa dạng chuỗi sản phẩm cho nhiều thị trường và tăng cường liên kết hệ sinh thái tạo điều kiện kiểm soát chất lượng và phát triển thị trường.

    Hiện các công ty lớn đã tập trung liên kết hệ sinh thái, ví dụ như ở các doanh nghiệp Việt Úc, Vĩnh Hoàn, cần có những thương hiệu mạnh, mô hình khép kín để khẳng định chất lượng, giá trị gia tăng, giúp thủy sản có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường. Đồng thời, việc này giúp thương hiệu thủy sản Việt Nam phát triển hơn nữa trên thị trường thế giới.

    Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại thủy sản

    31/03/2023 08:55 GMT+7

    Hội thảo ‘Phát triển ngành công nghiệp thủy sản: khai thác bền vững - đẩy mạnh nuôi trồng’ - Ảnh 1.

    Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thừa nhận thủy sản đang đối mặt nhiều khó khăn nhưng Chính phủ, Bộ NN&PTNT sẽ có các giải pháp hỗ trợ ngành, doanh nghiệp và người dân trong thời gian tới - Ảnh: QUANG ĐỊNH

    Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - năm 2022 là năm khó khăn nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam ghi dấu ấn quan trọng, đặc biệt thủy sản. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt 11 tỉ USD; trong đó xuất khẩu tôm đạt 4,3 tỉ USD, cá tra 2,5 tỉ USD, hải sản 3,2 tỉ USD (cá ngừ 1 tỉ USD, mực và bạch tuộc đạt 768 triệu USD)

    "Chưa bao giờ xuất khẩu thủy sản đạt con số 11 tỉ USD, đây là một dấu mốc lớn", ông Tiến khẳng định.

    Tuy vậy, ông Tiến cũng cho rằng ngành thủy sản đang đối mặt nhiều khó khăn do lạm phát, lãi suất ngân hàng tăng cao, hạ tầng yếu kém, đặc biệt là hạ tầng thuỷ sản.

    Ngoài ra, ảnh hưởng biến đổi khí hậu, dịch bệnh, môi trường chưa được kiểm soát, chế biến chưa sâu, chăn nuôi nhỏ lẻ còn phổ biến... cũng ảnh hưởng lớn đến việc phát triển ngành thủy sản, chưa nâng cao được giá trị.

    Hội thảo ‘Phát triển ngành công nghiệp thủy sản: khai thác bền vững - đẩy mạnh nuôi trồng’ - Ảnh 2.

    Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến

    Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, ngành thủy sản đề ra một số chỉ tiêu đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,0 - 4,0%/năm. Tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn; trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản 7 triệu tấn, sản lượng khai thác thủy sản 2,8 triệu tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14 - 16 tỉ USD. Với các điều kiện về nuôi trồng, và nhiều doanh nghiệp đã xúc tiến tăng mạnh về đầu tư nuôi trồng thuỷ sản, giá trị về thuỷ sản Việt Nam sẽ còn dư địa lớn để phát triển.

    Tuy vậy, để đạt được chỉ tiêu đề ra, ngành nông nghiệp cho rằng phải nâng cao cạnh tranh về con giống, thức ăn, an toàn sinh học, đặc biệt là các chủng loại được nuôi trồng chủ đạo như tôm, cá tra... Ngoài ra, phải đẩy mạnh xúc tiến vào các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản".

    "Bộ đang trong giai đoạn xem xét các dự án khoa học công nghệ để phục vụ được yêu cầu của sản xuất nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt phát triển hạ tầng. Ngoài ra, phải đi theo hướng nuôi trồng theo chuỗi, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm từ sản xuất đến bàn ăn... để đảm bảo tiêu chí cho thị trường xuất khẩu. Tới đây, Thủ tướng sẽ làm việc với ngành nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản để cải thiện các vấn đề, đảm bảo các mục tiêu để đảm bảo xuất khẩu ngành thuỷ sản năm 2023", ông Tiến nhấn mạnh.

    Bà Rịa - Vũng Tàu: Gắn phát triển thủy sản với du lịch sinh thái

    31/03/2023 08:48 GMT+7

    Hội thảo ‘Phát triển ngành công nghiệp thủy sản: khai thác bền vững - đẩy mạnh nuôi trồng’ - Ảnh 1.

    Ông Nguyễn Công Vinh - phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết địa phương này sẽ tập trung khai thác thủy sản vùng lộng, vùng ven gắn với nuôi trồng và du lịch sinh thái - Ảnh: QUANG ĐỊNH

    Phát biểu chào mừng khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Công Vinh, phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết phát triển nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao là một trong bốn trụ cột kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 

    Trong đó đối với mảng nuôi trồng tỉnh này có diện tích tiềm năng lên đến hơn 16.100 ha, riêng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao hiện có hơn 410 ha. Với mảng xuất khẩu thủy sản hiện tỉnh này có hơn 50 doanh nghiệp đạt các tiêu chuẩn khắt khe để đủ điều kiện xuất khẩu sang Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… với kim ngạch hàng năm đạt khoảng 342 triệu đô la Mỹ. 

    Hội thảo ‘Phát triển ngành công nghiệp thủy sản: khai thác bền vững - đẩy mạnh nuôi trồng’ - Ảnh 2.

    Kiểm tra tôm nuôi tại Hợp tác xã nông nghiệp Quyết Thắng (TP Bà Rịa) - Ảnh: ĐÔNG HÀ

    Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết để phát huy hết tiềm năng, ngành thủy sản phát triển bền vững tỉnh này đang và sẽ tập trung khai thác thủy sản vùng lộng, vùng ven gắn với nuôi trồng và du lịch sinh thái. 

    Ngoài ra tỉnh sẽ mạnh mẽ chuyển đổi các nghề khai thác xâm hại đến nguồn lợi thủy sản. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng sẽ chú trọng phát triển nuôi thủy sản lồng bè theo hướng công nghệ cao, đồng thời tinh chế các mặt hàng để nâng cao giá trị…

    Báo Tuổi Trẻ tiếp tục đồng hành cùng ngành thủy sản

    31/03/2023 08:40 GMT+7

    Hội thảo ‘Phát triển ngành công nghiệp thủy sản: khai thác bền vững - đẩy mạnh nuôi trồng’ - Ảnh 1.

    Nhà báo Lê Thế Chữ - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ phát biểu - Ảnh: QUANG ĐỊNH

    Phát biểu tại hội thảo, nhà báo Lê Thế Chữ, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cho biết Hội thảo "Phát triển chuỗi liên kết, nâng tầm thương hiệu thủy sản Việt" là một hoạt động trong diễn đàn "Phát triển ngành công nghiệp thủy sản: khai thác bền vững - đẩy mạnh nuôi trồng" do báo Tuổi Trẻ khởi xướng, phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức, với sự đồng hành của Ngân hàng Agribank và một số doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến thủy sản…

    Từ tháng 10 năm 2022 đến nay, báo Tuổi Trẻ cùng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã khởi xướng diễn đàn Phát triển ngành công nghiệp thủy sản. "Cơ duyên này đã cho những người làm báo chúng tôi cùng các chuyên gia, cơ quan quản lý có thêm cơ hội được trực tiếp tiếp xúc, lắng nghe nhiều câu chuyện thực tế. 

    Qua những tuyến bài truyền thông, những sự kiện tham quan, những hội thảo, nhiều doanh nghiệp cho biết họ đang trong tình trạng thiếu vốn nghiêm trọng và rất gian nan khi tiếp cận vốn vay ngân hàng. Trong khi cơ cấu vốn nguyên liệu của những công ty thủy sản nhỏ và vừa chiếm tới 80%. Vùng nuôi trồng thủy sản chưa được qui hoạch chi tiết trong khi con giống, nguyên liệu, vật tư nuôi trồng vừa thiếu thốn, vừa không đảm bảo chất lượng", ông Chữ nói.

    Với vai trò là cơ quan truyền thông, báo Tuổi Trẻ mong muốn qua diễn đàn này, được làm cầu nối để tất cả cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong ngành thủy sản cùng đưa ra những mô hình, giải pháp phát triển hơn nữa chuỗi liên kết ngành thủy sản. Qua đó thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ từ các yếu tố nuôi trồng - khai thác, chế biến - bảo quản; vận chuyển - lưu thông, tiêu thụ - phân phối đến quản lý chuỗi cung ứng nhằm tăng năng suất, giảm chi phí, tăng chất lượng, giá trị thủy sản Việt Nam.

    Ngoài hội thảo hôm nay, báo Tuổi Trẻ xác định sẽ tiếp tục triển khai thêm các tuyến đề tài về nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản, tạo ra những diễn đàn thảo luận, đóng góp thêm tiếng nói vào mục tiêu và giải pháp phát triển ngành công nghiệp thủy sản để góp phần đưa thương hiệu thủy sản Việt Nam lên một tầm cao mới, một "thương hiệu mạnh" và đặc trưng của thủy sản Việt Nam. 

    "Chúng tôi cũng dự kiến sẽ mở rộng, phát triển tuyến truyền thông - sự kiện thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp thủy sản Việt Nam ở một tầm mức sâu rộng hơn, liên quan đến niều đối tượng hơn trong năm 2023", ông Chữ kết luận.

     

    Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu khai mạc

    31/03/2023 08:08 GMT+7

    Hội thảo ‘Phát triển ngành công nghiệp thủy sản: khai thác bền vững - đẩy mạnh nuôi trồng’ - Ảnh 1.

    Quảng cảnh hội thảo Phát triển chuỗi liên kết, nâng tầm thương hiệu thủy sản Việt - Ảnh: QUANG ĐỊNH

    Hội thảo có sự tham dự của thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến (phát biểu trực tuyến), ông Trần Công Khôi - vụ phó vụ Nuôi trường thủy sản (Tổng cục Thủy sản), ông Trương Đình Hòe - tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), ông Lê Hoàng Hải - phó chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Nguyễn Công Vinh - phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu…

    Phía đơn vị đồng hành có sự tham gia của bà Nguyễn Thị Phượng - phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), ông Vũ Đức Trí - phó tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Việt Úc. Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham dự của lãnh đạo UBND các tỉnh và các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản các tỉnh.

    Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham dự của ông Asbjørn Warvik Rørtvet - giám đốc khu vực châu Á Thái Bình Dương của Hội đồng Hải sản Na Uy (NSC) và ông Matsuo Tomoyuki - chủ tịch hiệp hội đầu bếp Nhật Việt.

    Nguồn: https://tuoitre.vn/thu-tuong-se-lam-viec-voi-nganh-thuy-san-de-dam-bao-cac-muc-tieu-xuat-khau-nam-2023-20230331080307064.htm?gidzl=K694CG_ddq9HTKmr1VcSGLftJ3COgSr34YL9C1h_oHH3Snap6ldB44uW73GM_iWN67TBDp9ilE913UkNH0 

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline